Trường Tiểu học Diễn Liên - Diễn Châu - Nghệ An

http://tieuhocdienlien.dienchau.edu.vn


Cách nhìn nhận về giáo dục con cái

Khi cha mẹ cứ động đến học là chửi con

Đối xử tâm lý với con, làm bạn với con trong suốt quá trình con học hành dường như vẫn là vấn đề nói thì dễ đấy mà làm được quá khó. Lý do hiển nhiên là người lớn luôn cho mình là đúng, áp đặt đủ thứ với con, đặt hết mục tiêu này đến mục tiêu khác cho con…

Khi cha mẹ cứ động đến học là chửi con

Đối xử tâm lý với con, làm bạn với con trong suốt quá trình con học hành dường như vẫn là vấn đề nói thì dễ đấy mà làm được quá khó. Lý do hiển nhiên là người lớn luôn cho mình là đúng, áp đặt đủ thứ với con, đặt hết mục tiêu này đến mục tiêu khác cho con…

Tôi có người bạn cứ gật gù tâm đắc với câu nói của danh nhân nào đó mà chị lượm lặt được đại ý là "ai khen ta là kẻ thù của ta, ai chê ta là thầy của ta", chị ấy bảo "khen con để chúng nó cứ tưởng mình giỏi lắm, biết đâu ra ngoài ối bạn siêu sao, mình chỉ là muỗi, cứ phải chê thật lực cho con nó còn phấn đấu". Nhiều phụ huynh vẫn nghĩ, phải rèn bằng được cho con đức tính khiêm tốn nên cha mẹ kiệm lời khen với con, chỉ rặt là giáo huấn hết học hành đến lời ăn tiếng nói, đến cư xử hàng ngày. Con chỉ biết lặng lẽ nghe, răm rắp làm và chớ có cãi lý với bố mẹ.

Tôi từng trải qua quãng thời gian khủng hoảng vì mẹ tôi không ngừng chê bai, chì chiết khi tôi học hành chấp chới, thi trượt đại học. Tôi luôn mặc cảm mình là đứa con vô dụng, là gánh nặng của gia đình nên tôi luôn sống lo lắng, tự ti và khép mình, đánh mất nhiều mối quan hệ bạn bè thân thiết. Bạn bè ai cũng mải miết phấn đấu đèn sách, nhiều bạn thành đạt, tự tin. Trong khi đó, tôi cứ dậm chân tại chỗ, học hành chểnh mảng, thi trượt liên miên, hay cãi vã với bạn cùng phòng kí túc xá có khi chỉ từ câu nói không vừa ý đã thấy bất mãn, chán nản. Bạn bè thấy tôi sống lập dị nên không ưa, suốt thời sinh viên tôi không có lấy một người bạn thân đúng nghĩa chỉ vì tôi sống hời hợt, nửa vời và hay nổi nóng. Một thời gian khá dài, tôi luôn tranh cãi không ngừng với mẹ và mẹ tôi luôn cho rằng tôi là đứa con hỗn láo. Tại sao tôi lại "cãi hăng" như vậy? Vì mẹ lúc nào cũng chê tôi thua kém tất cả bạn bè cùng trang lứa, mẹ khiến tôi cảm thấy mình không có tí giá trị nào. Tôi không dám mời bạn bè tới nhà chơi, vì mẹ tôi thường tỏ thái độ lạnh nhạt. Tất nhiên rồi, mẹ đang chán ghét vì con thất bại thảm hại thì làm sao mà vui vẻ tiếp bạn của con được.

Con trẻ luôn cần sự động viên, khích lệ của bố mẹ trong mọi hoàn cảnh. (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Con trẻ luôn cần sự động viên, khích lệ của bố mẹ trong mọi hoàn cảnh. (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Khi đọc bài "Con trẻ như hóa điên vì bố mẹ chê bai", tôi thực sự thấy cảm thông với chuyện của em Mạnh ở Bình Thạnh - TP Hồ Chí Minh, khi em học giỏi mà mẹ vẫn lạnh lùng, keo kiệt cả một lời khen, một nụ cười dành cho con mà chỉ thản nhiên dội gáo nước lạnh cho con tỉnh "đừng tưởng mình thế mà giỏi" khiến em hụt hẫng, sống tự ti, dồn nén uất ức đến mức có lần bị bạn bè chê bai, em đã cầm dao rượt bạn và suýt chút nữa gây ra tội ác.

Gia đình là nơi mà con mong muốn được trở về trong niềm vui, sự chia sẻ cảm thông từ cha mẹ nhưng sẽ ra sao nếu bố mẹ cứ mặc nhiên chê bai, công kích con, không bao giờ động viên con khi mà đứa trẻ đã cố gắng hết sức. Lúc đó, đứa trẻ sẽ có suy nghĩ, cố gắng học hành cũng chả ích gì và con sẵn sàng lao vào các thú vui đầy rẫy ngoài xã hội, sống buông thả và cũng ngay lập tức, các em sẽ có thái độ hằn học, bất cần với cha mẹ. Khi thấy con trượt dài, cha mẹ càng có cớ khẳng định rằng mình chê con đâu có sai, đúng là nó vô dụng, bất tài, láo toét còn gì... Có thể nói, nếu cha mẹ không điều chỉnh cách dạy con thì mãi mãi cha mẹ và con cái có khoảng cách, ngay cả khi sau này con cái đã trưởng thành. Chắc chắn các em sẽ nghĩ, bố mẹ không thương yêu mình nên mới suốt ngày chửi mắng, nhiều em sống dửng dưng với cha mẹ, thậm chí quý bạn bè và người ngoài hơn cả bậc sinh thành.

Tôi luôn day dứt một điều, mình phải làm gì để nuôi dạy con mà không dẫm vào đường mòn của mẹ ngày xưa? Con tôi là đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm, học hành thiếu tập trung vì hay mải nói chuyện với các bạn xung quanh. Tôi cũng từng đánh chửi con cho hả giận khiến con sợ sệt, cứ đi học về mà thấy mẹ vẫy vào hỏi han là mặt tái xám, ăn nói lắp bắp. Tôi nghĩ, sao mình cứ động đến sách vở con là nổi đóa lên, là có thể nói năng tục tĩu, chửi con ngu như bò, như lợn không thấy ngượng mồm… Tôi thấy chả cứ riêng tôi mà rất nhiều phụ huynh xung quanh cũng cứ động vào sách vở của con là rít lên toàn lời khó nghe như thế. Tôi nhớ lại hồi con chưa đi học, mình suốt ngày dạy con lễ phép, không được văng tục, không được đánh bạn. Thế mà con mới vào lớp 1, mẹ đã thành ngoa ngoắt chỉ vì muốn con không bị ai chê là kém, là dốt, là chậm. Có khi cô giáo chê con 1 thì mẹ chê con 10, lúc nào cũng hằm hè với con, ngay đến bữa cơm bố mẹ cũng xúm vào "chê hội đồng" khiến con nuốt cơm mà rơm rớm nước mắt vì sợ bố mẹ quá. Tôi chợt nhớ lại cảm giác của mình, khi tôi bị người thân chê "vụng về, hậu đậu, dốt nát, kém cỏi", tôi đã âm thầm buồn rầu suốt bao năm. Sao giờ mình lại chê con suốt ngày, chê cả từ cách con ăn cơm hay rơi vãi, chê cả cách con chơi với bạn hay bị bạn bắt nạt, chê con viết xấu, chê con cá biệt nhất lớp vì tội nói chuyện hay phải viết bản kiểm điểm? Mẹ chê con tối ngày có khiến con tiến bộ hơn không hay chỉ khiến mẹ ức chế, bực bội - con sợ sệt, chán học?

Tôi đã ép mình phải thay đổi cách kèm cặp con. Tôi chủ động thời gian dạy kèm con tại nhà để con học khá lên, nhẹ nhàng nhắc con không nói chuyện trong lớp, thậm chí treo phần thưởng nếu trong tháng con không phải viết kiểm điểm vì tội nói chuyện riêng, mẹ sẽ có quà cho con. Con tôi háo hức lắm vì mẹ động viên, khen ngợi. Tôi thậm chí tự thỏa hiệp với chính bản thân rằng con mình có những tật xấu mà mình buộc phải chấp nhận và điều chỉnh dần. Tôi chỉ nghĩ đơn giản thay bằng việc suốt ngày chê trách con thì tại sao mình không dành thời gian chơi và học cùng con, hỏi chuyện trường lớp của con để thấy là thực ra con mình đâu quá tệ, nhiều bạn trong lớp cũng nghịch ngợm, cũng viết chậm, làm toán kém, hay nói dối và không làm bài cô giao, phải lên bục giảng "đứng xó".

Thực ra làm bạn với con khó lắm, sẽ có nhiều lúc con cần bố mẹ giải đáp câu hỏi nhưng bố mẹ còn bận đi làm, bận nấu cơm, bận thể thao, bận xem ti vi hay bận lướt Facebook. Rồi rất nhiều phụ huynh vẫn hay so bì thời ngày xưa của bố mẹ khổ sở đủ thứ với thời các con bây giờ, đủ ăn đủ mặc, sung sướng chỉ việc lo học hành thì cần gì phải tâm lý với con nữa. Tôi nghĩ, điều kiện vật chất mình lo cho con chỉ là một phần, đời sống tinh thần của con ở bất cứ thời nào cũng rất cần được cha mẹ quan tâm đúng mực, mà đơn giản lắm, chỉ cần cha mẹ khen - chê kịp thời là giúp con tiến bộ, trưởng thành.

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Nguồn tin: Dân trí

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây